Hệ thống NAFI – 30 năm đồng hành đảm bảo chất lượng nông sản Việt

Hệ thống NAFI - 30 năm đồng hành đảm bảo chất lượng nông sản Việt

Sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống NAFI trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và chỗ dựa tinh thần cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
30 năm tạo dựng uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác thương mại quốc tế

Giờ đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) đã trở thành “thương hiệu uy tín” không chỉ trong nước mà còn với các đối tác thương mại, các tổ chức quốc tế.

Niềm vinh dự ấy được xây đắp từ những viên gạch đầu tiên cách đây 30 năm, kể từ khi Bộ Thủy sản ban hành Quyết định số 648 TS/QĐ ngày 26/8/1994 thành lập Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh Thủy sản (NAFIQACEN) với vai trò là cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có trách nhiệm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng lực lượng và tổ chức quản lý kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh cho tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản. Đây là dấu mốc khởi đầu cho “NAFI” trở thành một tên gọi chung của cả hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đến nay.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Phạm Huy.

Hệ thống NAFI ra đời là sự tất yếu. Sự trưởng thành phát triển của hệ thống góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, “trụ đỡ” của kinh tế – xã hội đất nước.

Ngay sau khi thành lập, NAFIQACEN đã nhanh chóng hình thành hệ thống bao gồm Trung tâm ở Hà Nội và 6 Chi nhánh trực thuộc đóng tại các vùng trọng điểm nghề cá Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau với đầy đủ đội ngũ cán bộ kiểm nghiệm, thẩm định, thanh tra; kịp thời tham mưu “nội luật hóa” các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Codex và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm tại thời điểm đó là Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản…

Lực lượng cán bộ của NAFI cũng đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực tự kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc nhận diện mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và kiểm soát mối nguy quan trọng tại điểm tới hạn, viết tắt là HACCP. Đó là con đường nhanh nhất để các bên tham gia chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản tiếp cận được các thị trường lớn và có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm như Nhật, Mỹ, EU và các quốc gia khác.

Nghiệp vụ tinh thông, kỹ năng tinh xảo, kinh nghiệm tinh rèn

Với nguồn lực của nhà nước đầu tư và các dự án hỗ trợ quốc tế như US/Vie/93/058, SEAQIP, FSPS… đã giúp NAFI nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cán bộ kiểm nghiệm, thẩm định, thanh tra vừa có trình độ chuyên môn sâu, vừa có kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế cùng với hệ thống 6 phòng kiểm nghiệm với trang thiết bị có khả năng kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc tế đã được hình thành.

Sự trưởng thành của NAFI dựa trên phương châm “Nghiệp vụ tinh thông, kỹ năng tinh xảo, kinh nghiệm tinh rèn” và trên nền văn hóa “Đoàn kết – tận tâm – cầu thị – tương hỗ – hội nhập – sáng tạo”.

Lãnh đạo NAFIQACEN cùng các đại biểu dự lớp tập huấn vè quản lý chất lượng cho cán bộ mới của Trung tâm Kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thủy sản năm 1996.

30 năm kể từ khi thành lập, NAFIQPM đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sự phát triển không ngừng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam và đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước. Điều đó được chứng minh rõ nét thông qua các chỉ số an toàn thực phẩm, chất lượng được cải thiện: Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, mức an toàn thực phẩm năm 2023 đã được cải thiện đáng kể so với năm 2016, năm Quốc hội tổ chức giám sát tối cao và đưa ra nhiều quyết sách cải thiện an toàn thực phẩm (tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm gia tăng từ 91% lên 99%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm tăng từ 72% lên 92%. Tỷ lệ mẫu lấy giám sát trên diện rộng đạt an toàn thực phẩm tăng từ 92,4% lên 97,4%).

Không chỉ kiểm soát tốt an toàn thực phẩm trong nước, Cục còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, nhất là các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường, quy định mới của quốc gia nhập khẩu và chủ động đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại để nông sản Việt ngày càng mở rộng xuất khẩu, định danh trên toàn cầu.

Cán bộ NAFIQPM đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp từ ao nuôi đến bàn ăn.

Nhờ vậy Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Việt Nam có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá da trơn hoàn toàn tương đương với Hoa Kỳ; Bộ NN-PTNT và NAFIQPM đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với các quốc gia như Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Liên bang Nga, Indonesia, Argentina…, tạo điều kiện để nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ; số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2024 ước xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ). Đây là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, sinh kế và đời sống nông dân.

Những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, NAFIQPM đã định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới tập trung vào 4 “trụ cột”: 1) Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; 2) kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng; 3) chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và 4) thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Để triển khai định hướng chiến lược nêu trên, NAFIQPM đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ưu tiên nguồn lực triển khai trong thời gian tới, gồm: Một là, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ, gắn kết công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến gia tăng giá trị với phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuẩn hóa chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm làm cơ sở xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực.

30 năm kể từ khi thành lập, NAFIQPM đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ba là, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, mở rộng và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Bốn là, Chuyển mạnh phương thức quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm tra, thanh tra đột xuất, phối hợp liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố chất lượng, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại tạo môi trường bình đẳng thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Năm là, chủ động phối hợp với các đơn vị trong đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Sáu là, tăng cường cập nhật, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định của thị trường và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

NHỮNG DẤU MỐC TRONG HÀNH TRÌNH 30 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA NAFIQPM

– Giai đoạn 1994 – 2003: Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thưc phẩm khác nói chung, Bộ Thủy sản đã ban hành Quyết định số 648 TS/QĐ ngày 26/8/1994 thành lập Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh Thủy sản (NAFIQACEN) với vai trò là cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có trách nhiệm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng lực lượng và tổ chức quản lý kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.

– Giai đoạn 2003 – 2007: Năm 2003, Bộ Thủy sản đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh Thủy sản nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản và nâng cấp từ Trung tâm lên Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED).

– Giai đoạn 2007 – 2022: Sau khi hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ NN-PTNT vào cuối năm 2007, Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản đã được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và được đổi tên thành Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản theo Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Bộ NN-PTNT (NAFIQAD).

– Giai đoạn 2022 đến nay: Bộ NN-PTNT đã tham mưu Chính phủ thành lập Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị là Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tại Nghị định số 105 ngày 22/12/2022 (NAFIQPM).

Nguyễn Như Tiệp

Leave a comment

Comment (0)
No comments yet