NAFIQACEN tròn 30 tuổi: Câu chuyện tập huấn và tổ chức lớp tập huấn

NAFIQACEN tròn 30 tuổi: Câu chuyện tập huấn và tổ chức lớp tập huấn

Thời là sinh viên chế biến thủy sản ở Đại học Nông nghiệp, tôi thích môn hóa sinh của thầy Ngô Khắc Truy và môn vi sinh của thầy Đào Trọng Hùng.

Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc về một giai đoạn khởi đầu với những tư duy mới mẻ, tạo tiền đề vững chắc, góp phần đưa nông sản Việt Nam tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ như ngày nay.

Tôi không ngờ những kiến thức học được thời đó, sau hơn phần tư thế kỷ lại thức dậy và có ích cho tôi đến thế khi tiếp xúc với cuốn sách Cá tươi, những biến đổi của cá sau khi chết do Hans H. Huss (1) biên soạn.

Cuốn sách mỏng này được FAO ấn hành, dùng làm giáo trình chủ yếu và được chính tác giả sử dụng để giảng cho chúng tôi về sự cần thiết phải nắm chắc và áp dụng HACCP trong thủy sản tại lớp tập huấn vùng (châu Á – Thái Bình Dương) về Thanh tra và An toàn chất lượng thủy sản, tổ chức tại Kochi, Ấn Độ ngày 5-16/11/1990. Thật là cái Duyên lớn quá!

Ảnh chụp buổi bế giảng lớp học tại Kochi Ấn Độ ngày 16/11/1990. Hàng đứng, người thứ 6 từ trái sang là tác giả.
Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ câu H. H. Huss mở đầu bài giảng: Các bạn nhớ rằng, với người vừa khuất, hãy đặt hoa; với cá chết, hãy phủ ngay đá. Câu nói chí lý ấy tôi đã thích thú nhắc lại với ông thay câu chào khi gặp lại ông ngày cuối tháng 10/1997, tại nơi ông làm việc ở Copenhagen, Đan Mạch.

Trừ nước chủ nhà Ấn Độ, có khoảng mười người dự lớp, còn lại mỗi nước chỉ được 1 đại diện tham gia. Đến từ Việt Nam, thời gian đó, tiếng Anh giao tiếp của tôi còn hạn chế. Đại diện FAO ở Việt Nam, ông Zakhariev, cử thêm một chị của cơ quan FAO tại Hà Nội đi cùng. Lớp tập huấn này đã để lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp về cả thầy lẫn trò, về sự dung dị trong truyền đạt kiến thức cũng như trong khảo sát thực tế để học viên nhanh chóng tiếp cận một thứ kiến thức sâu sắc mà thực tế, rất cần thiết cho những người có trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thủy sản.

Với tôi, một cán bộ kỹ thuật, kiến thức đó mở ra cánh cửa để suy nghĩ giúp thay đổi cách làm chất lượng sản phẩm, về thanh tra và an toàn vệ sinh khi thủy sản nước ta còn có phần bị “cách ly” và có những mảng lạc hậu. Cần thiết phải xây dựng và thực thi một cung cách kiểm soát chất lượng mới để làm ra hàng chất lượng tốt, chứ không phải chỉ kiểm tra và gạt bỏ các sản phẩm không đạt yêu cầu khi xuất xưởng.

Hôm kết thúc lớp học, ông Carlos (2) gặp tôi và cho biết, FAO và INFOFISH sẵn sàng giúp mở sớm một lớp như vậy tại Việt Nam dành cho học viên trong nước. Tôi rất phấn khởi và hoan nghênh gợi ý của ông, vì trong thời gian học, có lúc vui chuyện tôi đã đề nghị ông như thế. Khi về đến Hà Nội, tôi đã báo cáo lãnh đạo ngay việc đó và được các anh chấp thuận.

Chuẩn bị thời khóa biểu cho lớp tập huấn. Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Thế là, sau công văn qua lại, việc mở lớp đã được hai phía thống nhất. Chúng tôi ấn định mở lớp vào cuối tháng 5/1991, trong thời gian khoảng 10 ngày. Được mời tham dự chủ yếu là các cán bộ làm quản lý chất lượng thủy sản ở cấp ngành và cấp doanh nghiệp, một số phó giám đốc kỹ thuật và trưởng ca sản xuất của các xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Việc chuẩn bị cho lớp học thực sự khẩn trương. Chắc đây là một trong các lớp tập huấn cuối cùng loại này trong khuôn khổ UNDP/FAO Project INT/90/026. SEAPRODEX giúp chúng tôi đăng cai địa điểm. Trung tâm KCS đồng hành cùng chúng tôi trong các khâu chuẩn bị và tiến hành các hoạt động cụ thể của lớp học.

Giảng viên và giáo trình là 2 việc lớn. Carlos đã mang đến đội giảng viên quốc tế gọn nhẹ mà chất lượng. Đó là bản thân ông, là Andre Goso từ Italya, là Sirilac từ Thái Lan và về sau, cả Lahsen Ababouch từ Maroc (3). Tôi đã được nghe và thích Ababouch thuyết trình về an toàn vệ sinh thủy sản, nhất là trong công nghiệp đóng hộp, lần trước đó.

Cũng như lớp mở ở Kochi, cuốn giáo trình của H. H. Huss được lấy làm tài liệu chính. Vì vậy, cần có phiên bản tiếng Việt của cuốn sách này trước khi lớp khai mạc. Anh Nguyễn Quốc Việt, công tác tại vụ Hợp tác quốc tế, cùng tôi chia nhau dịch. Cuốn sách được tháo gáy, chia nhau mỗi người một số bông rồi gò lưng dịch “thần tốc”. Từ chuyên môn nhiều, ngồi lại với nhau hoặc cố tra cứu để không sai sót.

Thời đó, tiếng Anh như của anh Việt là tuyệt vời, nên tôi rất yên tâm. Xong bản dịch, anh Việt rà soát lần cuối. Tôi nhận nhiệm vụ soát các công thức hóa học, các chỗ còn chưa thoát ý về chuyên môn, đưa in can biểu đồ, hình ảnh phục vụ in và đóng tệp.

Nhờ khẩn trương như vậy, giáo trình kịp ra trước khi lớp khai mạc. Đến nay, tôi vẫn cho rằng đây là một tài liệu tốt, được in rõ dù chưa đẹp. Sau lớp này ít lâu, sách bằng tiếng Việt được xuất bản chính thức.

FAO và INFOFISH còn giúp đưa một số chuyên gia về chất lượng có kinh nghiệm của ta đến học ở các lớp tổ chức tại những nước khác trong khu vực. Cũng năm 1991, anh Nguyễn Tử Cương và anh Lê Đình Hùng dự một lớp ở Songkhla Thái Lan. Anh Trần Quốc Sơn sang dự lớp ở Kuala Lumpur… Các anh học về giúp tham gia làm giảng viên cho các lớp tập huấn về sau do ta tự tổ chức.

Những thông tin khác về lớp học, tôi xin được trình bày bằng vài ba hình ảnh kèm theo.

Đoạn du ký ngắn và một thu hoạch bất ngờ

Cuối tháng 11/1991, tôi tham gia đoàn công tác của Bộ Thủy sản do Thứ trưởng Võ Văn Trác dẫn đầu tại CHLB Đức (thăm và làm việc với một số tập đoàn, công ty trong lĩnh vực thủy sản tại thành phố Bremerhaven).

Được ít ngày, tôi nhận lệnh từ nhà, bay gấp sang Áo dự một cuộc họp đang diễn ra về thủy sản thế giới do UNIDO tổ chức tại Trung tâm hội nghị VCC của Liên hợp quốc tại thủ đô Vienna. Tôi nhận thông tin và giấy tờ qua Facsimile và Telex do vụ Hợp tác quốc tế chuyển sang, tôi cũng nhận vé máy bay đi Vienna do hãng lữ hành Flugwagon gửi đến khách sạn để bay từ Bremen chuyến sớm nhất ngày hôm sau…

Tới sân bay Vienna, tôi tìm đến trạm biên phòng sân bay, đưa giấy tờ xin thị thực (lúc này Áo chưa tham gia Hiệp ước Schengen), làm thủ tục nhập cảnh rồi kéo hành lý lên taxi đến thẳng nơi họp. Cũng kịp trước khi đến lượt tôi, đại diện Việt Nam, phát biểu.

Điều tôi quan tâm nhất trong thời gian còn lại là những đối thoại xung quanh những ý kiến khác nhau và những kết luận, khuyến nghị của Hội nghị, về không khí nhộn nhịp gặp nhau của các đối tác đầu tư trên các sảnh, dọc hành lang (hoạt động lobby) quanh phòng họp như còn xa lạ với Việt Nam trong những năm bị cấm vận… Nay, đã gần 33 năm, lâu rồi, những điều tôi quan tâm ấy cũng không còn nhớ nữa. Nghề cá thế giới bây giờ đã khác xa thời đó. Vị thế của Việt Nam bây giờ cũng khác lắm.

Tham dự cuộc họp về Nghề cá Thế giới do UNIDO tổ chức tại Vienna, Áo, năm 1991.
Ảnh tư liệu của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Tuy nhiên, khi lướt qua các tài liệu cung cấp tại Hội nghị, tôi dán mắt vào bản sao đầy đủ của 2 văn bản, quy định của Châu Âu sau:

Chỉ thị của Hội đồng 91/492/EEC ngày 15 tháng 7 năm 1991 quy định các điều kiện vệ sinh đối với sản xuất và đưa ra thị trường các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống.

Chỉ thị của Hội đồng 91/493/EEC ngày 22 tháng 7 năm 1991 quy định các điều kiện vệ sinh đối với sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm thủy sản.

Nhìn vào ngày tháng ghi trong 2 văn bản, tôi thấy còn mới lắm. Theo nghĩa nào đó, có thể coi 2 văn bản này như một loại Sách Trắng của EC về An toàn vệ sinh thủy sản. Chúng thực sự có ích cho những người quản lý chất lượng và vệ sinh thủy sản nước ta ngay buổi đầu và trong thời gian còn lại của thập niên 1990, giúp tìm giải pháp cải thiện các điều kiện sản xuất để hàng thủy sản Việt Nam có chân đứng vững tại thị trường Châu Âu. Và quan trọng hơn, một giai đoạn thủy sản nước ta nhuần nhuyễn với An toàn vệ sinh dựa trên HACCP.

(1) GS Hans Henrik Huss, công tác tại Phòng thí nghiệm công nghệ Bộ Thủy sản Đan Mạch và Đại học công nghệ Lyngby, Đan Mạch.

(2) C. A. M. Lima Dos Santos, chuyên gia đào tạo về An toàn chất lượng của Dự án UNDP/FAO, công tác tại Ban Thủy sản, cơ quan FAO của Liên hợp quốc. Ông là người Brazil.

(3) Lahsen Ababouch, Viện Nông học và Thú y Hassan II, Maroc. Ông là chuyên gia về công nghệ đồ hộp.

Tạ Quang Ngọc

Leave a comment

Comment (0)
No comments yet

Recent Posts

Vụ giá đỗ ‘ngậm’ chất cấm: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nói thẳng nhiều sự thật

Read more

Hệ thống NAFI – 30 năm đồng hành đảm bảo chất lượng nông sản Việt

Read more

Nhân dịp NAFIQACEN 30 tuổi, lại nói về HACCP

Read more