Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

Tên thủ tục hành chính: Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu sản xuất tại các cơ sở ngoài danh sách ưu tiên

(Ban hành kèm theo Quyết định số 371/QĐ-BNN-QLCL ngày 19 tháng 01 năm 2023; Quyết định số 2466/QĐ-BNN-QLCL ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Chủ hàng gửi hồ sơ đăng ký thẩm định cho 01 lô hàng xuất khẩu bao gồm: Giấy đăng ký thẩm định theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT và Bảng kê chi tiết lô hàng theo mẫu tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

Bước 2: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký của chủ hàng, Cơ quan thẩm định thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ và hướng dẫn chủ hàng bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định (nếu có).

Bước 3: Cơ quan thẩm định cử kiểm tra viên thực hiện thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Chủ hàng đề nghị hoặc theo thời gian đã được thống nhất giữa Chủ hàng và Cơ quan thẩm định.

Bước 4: Xử lý kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm.

– Trường hợp kết quả thẩm định lô hàng không đáp ứng quy định về hồ sơ sản xuất, chỉ tiêu cảm quan, ngoại quan: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi kết thúc thẩm định, Cơ quan thẩm định gửi cho Chủ hàng Thông báo lô hàng không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

– Trường hợp kết quả kiểm nghiệm lô hàng không đáp ứng quy định ATTP:

+ Cơ quan thẩm định gửi kết quả kiểm nghiệm cho Chủ hàng trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày có đủ kết quả kiểm nghiệm;

+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết quả kiểm nghiệm được gửi cho Chủ hàng, nếu Chủ hàng có ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm nghiệm, Cơ quan thẩm định thực hiện theo quy định tại điểm 2 mục 8 Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết quả kiểm nghiệm được gửi cho Chủ hàng, nếu Chủ hàng không có ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm nghiệm, Cơ quan thẩm định gửi cho Chủ hàng Thông báo lô hàng không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, trong đó nêu rõ lý do không đạt, yêu cầu Chủ hàng điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý đối với lô hàng và lập báo cáo giải trình gửi Cơ quan thẩm định.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo giải trình của Cơ sở, Cơ quan thẩm định thẩm tra các nội dung báo cáo và có văn bản thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở. Trường hợp cần thẩm tra thực tế, Cơ quan thẩm định thực hiện và thông báo kết quả tới Cơ sở trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Cơ sở.”

Bước 5: Trong thời hạn 02 ngày kể từ khi lô hàng hoàn thành thủ tục thông quan để xuất khẩu hoặc căn cứ theo quy định của thị trường nhập khẩu về ngày ban hành chứng thư, Chủ hàng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết trong mẫu Chứng thư theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu cho Cơ quan thẩm định để cấp Chứng thư. Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin, Cơ quan thẩm định cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu, Chứng thư cho lô hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất theo mẫu tương ứng (khi có yêu cầu) nếu kết quả thẩm định, kiểm nghiệm của lô hàng đạt yêu cầu. Trường hợp lô hàng thủy sản sống, tươi ướp đá, Cơ quan thẩm định được phép cấp chứng thư cho lô hàng trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm và thực hiện xử lý kết quả kiểm nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

– Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày thẩm định, nếu Chủ hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan thẩm định để thẩm định, cấp Chứng thư, Chủ hàng phải thực hiện đăng ký thẩm định theo quy định tại Điều 29 Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 25, Điều 2 Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT).

2. Cách thức thực hiện

Hồ sơ gửi bằng một trong các hình thức sau:

– Gửi trực tiếp,

– Gửi theo đường bưu điện;

– Gửi thư điện tử (sau đó gửi bản chính)

– Đăng ký trực tuyến

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

1) Hồ sơ đăng ký bao gồm:

– Giấy đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng thủy sản xuất khẩu theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT;

– Bảng kê chi tiết lô hàng theo mẫu tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

2) Số lượng hồ sơ: 01 bộ

4. Thời hạn giải quyết: 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin.

5. Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân

6. Cơ quan giải quyết TTHC: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường

7. Kết quả thực hiện TTHC:

Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lô hàng thủy sản xuất khẩu (theo mẫu của thị trường nhập khẩu); Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lô hàng thủy sản cho lô hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất (nếu có yêu cầu) (theo mẫu của nước quá cảnh, tạm nhập, tái xuất).

8. Phí, lệ phí:

– Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp: 200.000 đồng/lô hàng.

– Phí kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm: Theo cơ chế giá dịch vụ.

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

– Giấy đăng ký thẩm định chất lượng, an toàn thực phẩm/ kiểm dịch và cấp chứng thư lô hàng thủy sản xuất khẩu: theo mẫu tại Phụ lục XII Thông tư số32/2022/TT-BNNPTNT;

– Bảng kê chi tiết lô hàng: theo mẫu tại Phụ lục XIV Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:

– Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng các quy định tương ứng tại Điều 10, 11, 12, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 41, 42, 44, 54, 55 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội.

– Cơ sở ngoài danh sách ưu tiên hoặc Cơ sở trong danh sách ưu tiên nhưng có đề nghị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu.

11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

– Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội.

– Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

– Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/ 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Thông tư số 44/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y; Thông tư số 286/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để lại bình luận

Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào